Một trong những cách để thu phục lòng người mà bạn có thể đã đọc trong cuốn “Đắc Nhân Tâm” của Dale Carnegie đó chính là Lắng Nghe (Nguyên Tắc Vàng Số 7 – Lắng nghe người khác). Và một trong những cuốn sách hiện đang bán chạy nhất trên Amazon lúc này chính là cuốn sách “Just Listen” mà dịch sang tiếng Việt là “Kẻ thành công phải biết lắng nghe” của tác giả Mark Goulston.
Just Listen – Hãy lắng nghe
Goulston là một nhà tâm lý học, nhà tư vấn, nhà văn. Ông đã viết một cuốn sách với vô số ví dụ và nhìn nhận sâu sắc mọi khía cạnh không chỉ ở góc độ chỉ lắng nghe mà còn ở những góc độ giao tiếp hiệu quả nói chung. Cuốn sách này còn có tựa đề “Khám phá bí mật của việc chinh phục lòng người”, tác giả đặt ra 9 quy tắc cốt yếu để chinh phục bất kỳ ai và sau đó đưa ra 12 cách nhanh chóng, dễ dàng thuyết phục và thu phục.
Trước tiên Goulston giải thích mọi sự thuyết phục đều liên quan tới việc đưa đẩy con người ta vào một cái vòng gọi là: “Vòng tròn Thuyết phục”
- Từ kháng cự tới lắng nghe
- Từ lắng nghe tới cân nhắc
- Từ cân nhắc tới sẵn sàng làm
- Từ sẵn sàng làm tới làm
- Từ làm tới rất vui họ đã làm và tiếp tục làm.
Giáo lý của cuốn sách này là bạn thu phục mọi người bằng cách thuyết phục họ thông qua các bước từ “kháng cự” tới “lắng nghe” tới “cân nhắc” những gì bạn đang nói. Và điểm mấu chốt để đạt được sự “tiếp nhận” và rồi đưa người nghe đi qua phần còn lại của vòng tròn không phải là những bạn nói với họ, mà là những gì người nghe nói cho bạn – và những gì xảy ra trong nội tâm hay suy nghĩ của họ.
Xem thêm: 5 cách cải thiện kỹ năng giao tiếp của bạn
Tiếp theo, tôi sẽ tóm lược lại 9 quy tắc cốt yếu của Goulston và 12 kỹ thuật nhanh gọn.
9 Quy tắc Cốt yếu
- Dịch chuyển từ “Ôi trời” sang “OK” – Căng thẳng luôn ngáng trở khả năng thu phục lòng người của bạn. Vì vậy hãy kiểm soát mọi cảm xúc của bạn thật nhanh chóng. Cố gắng chuyển từ phản ứng ban đầu (Ôi trời) qua trạng thái thả lỏng (hoặc tự nhận thức), sang trạng thái bình tâm, và trạng thái tái tập trung, cuối cùng là trạng thái tái gắn kết (Ổn rồi). Khi bạn làm được như vậy, bạn đã đi từ cách bạn thuyết phục thế giới nên hay không nên – điều mà khó thành hiện thực – sang cách sẵn sàng đối với với thế giới theo cách của riêng nó.
- Chỉnh đốn bản thân để lắng nghe – Chúng ta có xu hướng đổ đồng mọi người dựa vào những gì chúng ta nghe về họ hay trải nghiệm điều gì đó ngay từ ban đầu. Tuy nhiên, những ấn tượng ban đầu của chúng ta là một mớ bòng bong gồm sự thật, huyễn tưởng và thành kiến. Cuối cùng chúng ta lại luôn đối mặt với sự hư cấu, chứ không phải con người thật. Nếu bạn muốn mở rộng danh giới của giao tiếp, thì hãy rộng mở tâm trí của bạn trước để tìm hiểu xem thực sự họ là người như thế nào.
- Mang cho người khác cảm giác “được thấu hiểu” – Điều này có nghĩa là đặt mình vào địa vị của người khác. Khi bạn hiểu nhau, bạn có thể thay đổi động lực của các tình huống hay mối quan hệ căng thẳng để hợp tác, cộng tác và giao tiếp hiệu quả.
- Hãy quan tâm lắng nghe hơn chỉ là ra vẻ hứng thú – Để hoàn toàn nắm bắt được kỹ năng quan tâm lắng và biểu thị sự chân thành mỗi khi lắng nghe, đừng coi một cuộc đàm thoại như một trận tennis mà bạn cứ phải cố gắng ghi nhiều điểm hơn đối phương. Thay vào đó, hãy nghĩ về nó như một trò chơi thám tử, trong đó mục đích chính của bạn là học được càng nhiều từ đối tượng đó càng tốt. Hãy hỏi những câu hỏi để biểu lộ rằng bạn rất muốn biết thêm về điều gì đó, chẳng hạn như những câu hỏi khiến cho họ nêu rõ ý kiến như: “Tôi cảm thấy x, Tôi nghĩ y, Tôi đã làm hoặc sẽ làm z…”
- Mang lại cảm giác giá trị cho người khác – Con người cần cảm giác có giá trị; thậm chí ngay cả với những kẻ hay phàn này, hay trách móc và hay những kẻ hay ngáng trở. Cả hai loại người tốt và người gây khó chịu trong cuộc sống của bạn đều cần và đáng tái khẳng định về sự tồn tại của họ. Nếu bạn làm được vậy, họ sẽ trao hết những gì bạn mong muốn. Mọi người đều đang cạnh tranh vì thời gian, nhưng không có ai cần phải cạnh tranh cho tầm quan trọng.
- Giúp người khác buông xả cả cảm xúc lẫn tinh thần – Căng thẳng không phải lúc nào cũng xấu. Nó buộc chúng ta phải tập trung, phải quyết đoán, và thử thách dũng khí của chúng ta. Nhưng khi căng thẳng chuyển sang khốn quẫn đó là lúc vấn đề nảy sinh. Thậm chí có thể gây ra rất nhiều khó khăn và làm ta mất nhận thức về những mục tiêu quan trọng trong dài hạn. Hãy để họ tự buông xả và đẩy hơi thở hết ra khỏi lồng ngực, tĩnh tâm và lắng nghe bên trong cơ thể họ, không làm họ gián đoạn và không phán xét điều gì cả. Chỉ có buông xả mới giúp người ta trải nghiệm và bày tỏ những cảm xúc của mình. “Hãy quên nhạc nhẽo ru ngủ đi. Nếu bạn gặp một quái thú và muốn xoa dịu quái thú đó thì hãy giúp nó được buông xả”.
- Kiểm tra khả năng gây bất đồng trước khi bước vào cửa – Bất đồng xảy ra khi bạn nghĩ bạn đang đi trên một con đường, nhưng mọi người lại nghĩ bạn đang trên một con đường hoàn toàn khác. Ví dụ, bạn nghĩ bạn tự tin, đầy nhiệt huyết, và đam mê, nhưng người khác có thể nhìn nhận bạn như một người kiêu căng, cao ngạo và bốc đồng. Thái độ khiêm nhường và bày tỏ lời xin lỗi nếu cách hành xử của bạn không hợp với phong cánh của một đối tượng nào đó chính là cách tuyệt đối làm an lòng hầu hết mọi người. Nó còn giúp xóa bỏ mọi tình trạng bất đồng thậm chí trước khi nó xảy ra, bởi lời xin lỗi của bạn sẽ ngăn chặn hầu hết bất kỳ lỗi lầm nào.
- Khi mọi sự dường như thấy bại, hãy chìa cổ của bạn ra – Khi bạn bị dồn vào chân tường và chuẩn bị xù lông lên phản ứng, thì thay vào đó, bạn hãy suy nghĩ sâu hơn, cảm nhận nỗi sợ của bạn, đối mặt với thiếu sót của bạn và nói với đối tượng của bạn rằng bạn sẽ làm tốt nhất để thay đổi. Cũng như Keith Ferrazzi nói “Đừng sợ chia sẻ nhược điểm của mình. Nhược điểm không làm bạn yếu đi, nó khiến bạn dễ tiếp cận hơn”.
- Tránh xa những con người độc hại – Hãy tránh xa những người muốn hạ thấp bạn, bắt nạt bạn, cản trở bạn, hoặc biến bạn thành vật tế thần cho những sai lầm của họ, và dùng sức mạnh làm tổn thương bạn. Goulston nói rằng “Nếu bạn do dự nói “Không”, thì bạn có thể dễ bị kích động thần kinh. Nếu bạn thực sự sợ phải nói “Không”, có lẽ bạn đang phải đối mặt với con người độc hại. Và nếu chẳng ai đó nói “Không” với bạn, thì con người độc hại đó có thể chính là bạn.
Xem thêm: “Vòng tròn vàng” của Simon Sinek truyền cảm hứng như thế nào?
12 cách dễ và nhanh chóng để thuyết phục và thu phục
- Câu hỏi bất khả thi: Bạn hãy hỏi: “Điều gì mà lẽ ra không thể làm được, nhưng nếu bạn làm được điều đó, nó sẽ gia tăng thành công của bạn lên gấp bội.” Sau khi nghe họ trả lời, bạn lại hỏi “Điều gì làm cho nó khả thi?”
- Nghịch lý kỳ diệu: Khi bạn giúp ai đó nói ra lý do họ trở nên tiêu cực và hay phản đối, thì lúc đó bạn đang chuyển dịch họ sang trạng thái tích cực và đồng thuận hơn.
- Cú sốc đồng cảm: Khi hai người đang choảng nhau thay vì dùng lời lẽ, hoặc một trong hai người thích tấn công người kia hơn là lắng nghe, bạn hãy tạo một cú sốc đồng cảm. Tác giả viết “sự tức giận và đồng cảm không tồn tại cùng nơi cùng lúc”, vì vậy hãy nỗ lực thấu hiểu những thử thách mà họ đang phải đối mặt.
- Chơi ngược, Cú sốc đồng cảm #2: Sử dụng phương pháp này nếu bạn đang phải đối mặt với ai đó có kỹ năng và khả năng làm tốt một công việc, nhưng lại không làm hết 100% sức mình. Thay vì chỉ trích và tìm kiếm xem họ thiếu sót điều gì, hãy lấy vài lý do tại sao bạn có thể làm họ thất vọng. Bằng cách tự xin lỗi chính mình một cách đột xuất, đối tượng của bạn sẽ dịch chuyển ra khỏi trạng thái phòng vệ và có xu hướng phản ánh lại sự khiêm nhường và mối quan tâm của bạn. “Chỉ cần một chút khiêm nhường và một câu xin lỗi đáng giá hơn hàng ngàn cân oán hận.”
- Hãy hỏi “Bạn có thực sự tin là thế?: Trước khi bạn lo lắng giải quyết vấn đề của ai đó, hãy tìm hiểu kỹ liệu thực sự có vấn đề trong đó không.
- Sức mạnh của “Hmmm…”: Hãy trả lời với ai đó đang điên khùng và phòng thủ bằng cái gì đó rất tự nhiên như “Hmmm” hay “Kể tiếp cho tôi xem nào” hay “Thật thế sao?” hay “Rồi sao nữa” hay “Bạn còn gì kể nốt đi xem nào?” Đừng tỏ ra phòng thủ; cứ đào sâu thông tin.
- Đặt điều kiện từ đầu: Thay vì giấu diếm điểm yếu hay vấn đề, hãy dung hòa nó. Hãy biểu lộ thế tự chủ bằng cách cởi mở với những người hay nghi ngờ về bạn, và rất có thể sau đó họ sẽ chú ý tới bạn một cách chăm chú và tích cực.
- Từ giao dịch sang chuyển dịch: Giao tiếp trong giao dịch không tạo ra vết hằn trong mối quan hệ bởi vì nó nông cạn và mang tính phi cá nhân. Vì vậy chúng ta cần phải bước tiến xa hơn giao dịch để tạo quan hệ bằng cách đặt câu hỏi sao cho đối tượng sẽ nói cho bạn biết “Đây là điều tôi nghĩ”, “Tôi là ai”, “Đây là điều tôi mong muốn”, hoặc “Đây là cách mà anh có thể làm cho cuộc sống của tôi tốt hơn”. Hãy đặt câu hỏi sao cho đối tượng của bạn nhìn ánh mắt của họ sang một hướng khác, đó là lúc họ chuyển dịch và gần với bạn hơn.
- Sát cánh bên nhau: Hãy đặt câu hỏi trong lúc chia sẻ và sau đó đi sâu hơn vào câu chuyện với nhiều câu hỏi hơn (tạo nên cốt lõi của phương pháp Sô crat). Đây là kỹ thuật dựa trên 3 yếu tố: 1) nếu bạn cho họ ngồi xuống và giảng giải cho họ thì hiếm khi hiệu quả, bởi vì lúc đó họ sẽ phòng thủ và giấu diếm điều gì đó với bạn; 2) đặt câu hỏi tốt hơn là chỉ bảo; 3) Khi bạn cứ để họ tự giãi bày từ chuyển này sang chuyện khác mà không cần phải khơi ra, lúc đó thậm chí bạn còn biết nhiều hơn.
- Điền vào chỗ trống: Mời mọi người tham gia vào một cuộc đàm thoại dùng phương pháp “điền vào chỗ trống” thay vì đặt câu hỏi. Câu hỏi trực tiếp làm cho mọi người nghĩ rằng bạn đang “tập trung” vào họ. Hãy để họ điền vào chỗ trống và họ sẽ cảm thấy bạn đang “nói chuyện” với họ. Bạn nói một câu, nhưng bỏ ngỏ một đoạn chờ họ điền phần thông tin bạn cần biết vào phần còn lại của câu.
- Thử mọi cách đến khi nhận câu trả lời “Không”: Bạn cứ liên tục đặt câu hỏi tìm hiểu thông tin cho đến khi bạn nhận câu trả lời “Không”. Sau đó, hãy dẫn dắt họ từ “không” sang “có” bằng cách nói điều gì đó tương tự như “Có lẽ là tôi đã hỏi quá nhiều hoặc có vấn đề gì quan trọng với bạn mà tôi chưa kịp giải quyết phải không?” Sau đó sử dụng phương pháp “điền vào chỗ trống” hoặc các biện pháp đặt câu hỏi hữu hiệu khác để củng cố lại cuộc đàm thoại.
- Lời Cảm Ơn và Xin Lỗi Quyền Năng: Sử dụng lời Cảm Ơn Quyền Năng khi bạn lời cảm ơn thông thường là chưa đủ; nó bao gồm 3 phần: 1) Nhắc tới một điều gì đó cụ thể với người đã làm cho bạn; 2) Công nhận nỗ lực mà họ đã bỏ ra để giúp đỡ bạn; 3) Nói cho họ biết sự khác biệt mà hành động của họ đã mang lại cho riêng bạn. Còn lời Xin Lỗi Quyền Năng bao gồm 4R: Remorse (ăn năn), Restitution (phục hồi), Rehabilitation (sửa sai), Requesting Forgiveness (khẩn cầu tha thứ).
Xem thêm: Huấn luyện Đánh giá DISC
Một điều cốt yếu để tiếp cận mọi người chính là khả năng tiếp cận chính bản thân bạn. Tôi rất mong nhận được ý kiến của bạn về bài viết này. Hy vọng bạn sẽ dành thời gian đọc cuốn sách này để thực sự hiểu rõ và đạt được thành công trong cuộc sống của bạn.