CHÌA KHÓA THÀNH CÔNG TRONG TỔ CHỨC

(www.lyhathu.com) Bạn có thể tập hợp được các nghệ sĩ độc tấu hay nhất thế giới, những người thực sự giỏi trong lĩnh vực âm nhạc của họ. Tuy nhiên, không phải lúc nào bạn cũng có thể có được một bản hòa tấu nhạc hiệu quả và đi vào lòng người. Chìa khóa thành công chính là TINH THẦN LÀM VIỆC NHÓM.Team Building, Team Work.

 

CHÚNG TA LÀ AI: TĂNG CƯỜNG BẢN SẮC

Mọi người luôn khao khát được thuộc về, trở thành một phần của điều gì đó lớn hơn chính họ. Các công ty chỉ tập trung vào lợi nhuận sẽ đánh mất chỗ đứng của mình cho tổ chức tạo ra bản sắc mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu của nhân viên về một công việc có ý nghĩa, liên kết với xã hội.

Để thực hiện điều này đòi hỏi tổ chức cần hiểu rõ mục đích của mình, biết cách tạo ra giá trị, lý do họ là duy nhất và tạo ra nền văn hóa mạnh mẽ để thu hút, giữ chân người tài.

1. Hướng đến mục đích

Các tổ chức có hiệu suất cao đều biết rằng mục đích là yếu tố không thể thiếu tạo nên sự khác biệt. Nhận thức rõ ràng về mục đích của công ty như một lời khẳng định về bản sắc của tổ chức, từ lịch sử, cảm xúc, xã hội, thực tiễn.

Một doanh nghiệp của tương lai sẽ nhận ra mục đích là “nam châm” thu hút nhân lực, giữ chân và thúc đẩy mọi người phát triển. Đầu tư ESG (môi trường, xã hội, quản trị) chỉ là một cách để đưa mục đích tạo thành giá trị hữu hình. Thực tế doanh nghiệp có thể thu hẹp khoảng cách sứ mệnh của tổ chức với ý nghĩa công việc của nhân viên qua cả những hành động, quyết định hàng ngày.

2. Biến giá trị vô hình thành hữu hình

Đa phần các công ty đều có chiến lược cụ thể về cách họ tạo ra giá trị, tuy nhiên không phải tất cả đều chỉ ra chính xác cách họ đạt được điều đó. Một doanh nghiệp hướng đến tương lai sẽ cần chia nhỏ tham vọng, mục tiêu lớn thành các yếu tố con, hữu hình như bộ phận phụ trách, khu vực, dòng sản phẩm, các khả năng có thể xảy đến. Bản kế hoạch càng mô tả chi tiết, các giá trị tạo ra càng sáng tỏ. Doanh nghiệp sẽ dễ nhận thấy điều gì tạo nên sự khác biệt của họ với những nơi khác hay điều gì thúc đẩy thành công trong tương lai.

Hãy xem cách Apple vận hành để tạo ra trải nghiệm người dùng tốt nhất. Nỗi ám ảnh về khách hàng của Apple thể hiện ngay cả trên cách đóng gói sản phẩm. Công ty có một nhóm chuyên nghiên cứu đóng gói nhằm đảm bảo mang đến trải nghiệm mở hộp đầy cảm xúc.

Sức mạnh của một kế hoạch có giá trị rõ ràng không chỉ giúp công ty đạt được các ưu tiên chiến lược ngày nay tốt hơn mà còn giúp tổ chức có tầm nhìn xa hơn về cách chuyển nguồn lực khi các ưu tiên thay đổi.

3. Sử dụng văn hóa làm “nước sốt bí mật”

Ngoài làm rõ câu hỏi “why” (mục đích) và “what” (vạch kế hoạch chi tiết), để phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ bình thường mới, doanh nghiệp cần phân biệt “how” – văn hóa của họ với tổ chức khác. Một nền văn hóa mạnh mẽ là khi ngay cả nhà lãnh đạo luôn tuân theo bộ chuẩn hành vi của tổ chức hay công ty có phương pháp làm việc nổi trội, mới mẻ.

Chẳng hạn như Amazon nổi tiếng với quy tắc “hai chiếc bánh pizza” – giới hạn mỗi nhóm làm việc trong 6 -10 người. Quy tắc này nhấn mạnh sự tin tưởng vào khả năng vận hành độc lập và nhanh chóng của nhóm nhỏ trong tổ chức. Đồng thời cũng hỗ trợ văn hóa họp tại Amazon: giữ quy mô nhỏ, không sử dụng PowerPoint và bắt đầu bằng sự im lặng để người tham gia có thời gian đọc lại bản word trước khi họp. 

Bí quyết để làm nên “nước sốt bí mật” ấy chính là các hành vi cụ thể, dễ dàng quan sát, tuân thủ ở mọi cấp. Các nguyên tắc và cách thức làm việc ấy sẽ tạo ra một tổ chức gắn kết và bền vững, trở thành nét đặc trưng mà không doanh nghiệp nào sao chép được.

KHÁM PHÁ:  Thuyết "Vòng tròn vàng" của Simon Sinek truyền cảm hứng như thế nào?

CÁCH CHÚNG TA HOẠT ĐỘNG: ƯU TIÊN TỐC ĐỘ

Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã khiến tốc độ trở thành ưu tiên của nhiều tổ chức, nhưng cũng là yếu tố cản trở tốc độ. Một khi thiết lập được bản sắc, các tổ chức cần phải tối ưu hóa tốc độ. Mô hình vận hành cần tinh gọn, linh hoạt để tối ưu cách thức làm việc, đảm bảo nhanh nhẹn, đơn giản. Nhân viên cần được trao quyền để khai phá các nguồn giá trị mới.

4. Xây dựng cấu trúc phẳng

Môi trường kinh doanh ngày càng trở nên phức tạp khiến nhiều công ty đưa những thay đổi này vào cơ cấu tổ chức của họ, tạo ra một ma trận phức tạp. Vô tình họ đang đặt cược vào sự phức tạp của tổ chức để giải quyết sự phức tạp của thị trường. Nhưng trái lại, một tổ chức của tương lai sẽ cần tự cấu trúc để phù hợp hơn, phẳng hơn, tinh gọn hơn, giảm thiểu hệ thống phân cấp.

Haier, công ty sản xuất thiết bị gia dụng và điện tử tiêu dùng đa quốc gia có trụ sở tại Trung Quốc, đã xóa bỏ cấu trúc phân cấp truyền thống và hướng tới mô hình nhanh nhẹn. Ở Haier không có tầng lớp, không có ông chủ truyền thống và không có quản lý cấp trung.

Các tổ chức trong tương lai sẽ không còn tập trung vào các “hộp kín”, các đường nối phân chia phòng ban mà sẽ hướng đến kết nối mang tính cá nhân. Mô hình kiểu mới được thiết kế, phát triển xoay quanh con người và các hoạt động. Các “ông chủ” trong tương lai sẽ là những người huấn luyện, người hỗ trợ thực sự trong phạm vi kiểm soát lớn, thay vì là người quản lý vi mô.

5. “Tăng tốc” ra quyết định

Chất lượng và tốc độ đều tồn tại song song, củng cố lẫn nhau và có vai trò quan trọng trong công việc. Điều này đòi hỏi phân bổ vai trò phù hợp cho lãnh đạo, cá nhân, các nhóm. Lãnh đạo cấp cao cần tập trung thời gian và nguồn lực vào các quyết định kinh doanh cốt lõi. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo cấp trung sẽ chú trọng hơn đến việc phân bổ nguồn lực cho những sáng kiến ​​đó. Thông qua việc quản lý nguồn lực tồn đọng từ cấp cao nhất, các tổ chức sẽ tăng tốc và tăng chất lượng của các quyết định.

Tổ chức của tương lai sẽ cần trao quyền cho ngay cả những nhân viên cấp thấp nhất, tạo điều kiện để họ hoàn thành các quyết định của mình. Đồng thời việc điều chỉnh số lượng người được quyền ra quyết định, được tham gia cuộc họp cũng vô cùng quan trọng. Đảm bảo mỗi người tham gia đều có mục đích rõ ràng, giảm bớt “chỗ ngồi” cho các cá nhân chỉ đóng vai trò “khán giả”. Điều này không phải nhằm hạn chế số lượng người tham gia hay loại bỏ các quan điểm đa dạng mà nhằm đưa ra lý do chính đáng cho mỗi vị trí góp mặt.

Việc các công ty linh hoạt, dịch chuyển lĩnh vực kinh doanh dựa trên các thế mạnh sẵn có để tồn tại trong giai đoạn Covid-19 là minh chứng rõ ràng cho thấy lợi thế khi tổ chức tăng tốc ra quyết định. Hành trình tiếp theo đòi hỏi các công ty phải tiếp tục củng cố, đưa những gì học được từ cuộc khủng hoảng vào quy trình ra quyết định trong tương lai.

Theo cuộc khảo sát “Quyết định trong thời đại cấp bách” năm 2019 của McKinsey, tổ chức đưa ra quyết định nhanh chóng có khả năng đưa ra quyết định tốt gấp đôi so với những tổ chức cân nhắc quá lâu.

6. Ưu tiên nhân tài hơn nguồn lực khác

Công nghệ ngày một phát triển, tự động hóa dần thay thế nhiều vị trí con người. Những thay đổi này khiến nhiều công ty phải xem xét lại chiến lược nhân sự. Các công ty cần nhắc nhở nguyên tắc: tài năng là nguồn lực khan hiếm. Sau đó, họ sẽ tập trung vào ba câu hỏi cốt lõi: Chúng ta cần tài năng gì? Làm thế nào chúng ta có thể thu hút nó? Và làm thế nào chúng ta có thể quản lý nhân tài một cách hiệu quả nhất?

Để trở thành một “điểm đến” hấp dẫn cho các tài năng hàng đầu, doanh nghiệp sẽ cần chú trọng đến trải nghiệm nhân viên. Điều này ảnh hưởng đến việc nhân viên có ở lại và phát triển hay không, từ đó ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của công ty.

KHÁM PHÁ:  Câu hỏi TẠI SAO của bạn là gì?

Ngoài ra, các công ty hướng đến tương lai cần xây dựng hệ sinh thái nhân tài, nâng cao kỹ năng cho đội ngũ. Ví dụ như học viện mạng Cisco cung cấp khóa đào tạo CNTT và phát triển kỹ năng cho nhóm sinh viên, đồng thời kết nối cơ hội việc làm cho các bạn trẻ (với cả đối tác bên ngoài). Ngoài đem lợi ích cho người tham gia, cách thức này giúp Cisco khai thác nguồn nhân tài lớn, phù hợp với tiêu chí của doanh nghiệp.

CÁCH CHÚNG TA PHÁT TRIỂN: XÂY DỰNG QUY MÔ

Các tổ chức không thể chỉ đưa ra quyết định cứng rắn về bản sắc hoặc thiết lập lại mô hình và sau đó tuyên bố chiến thắng. Khi kết nối và tự động hóa gia tăng và khi kỳ vọng của thế hệ trẻ thay đổi, doanh nghiệp phải chuẩn bị cho sự thích ứng mới, liên tục để có thể phát triển mà vẫn duy trì sự nhất quán. Điều này đòi hỏi có sự tương tác liên tục giữa các bên liên quan, công nghệ và nhân viên.

7. Xây dựng hệ sinh thái

Vào năm 2014, Tesla quyết định tạo mã nguồn mở các bằng sáng chế của mình để các công ty khác sử dụng tài sản trí tuệ đó. Lựa chọn này là bước khởi đầu cho Tesla xây dựng hệ sinh thái của mình. Tesla nhận ra họ không thể phát triển nếu không có các đối tác xây dựng các trạm sạc và cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho xe điện. Bằng cách đặt mình vào trung tâm của hệ sinh thái đang phát triển của các đối tác, Tesla đã đặt nền móng cho sự phát triển bùng nổ của chính mình.

Trước đây, doanh nghiệp mong muốn đạt được thành tựu nhất định và kiểm soát chuỗi cung ứng. Nhưng những ranh giới truyền thống của tổ chức đang dần bị xóa bỏ. Ngày nay các tổ chức hợp tác tạo thành mạng lưới cùng nhau chia sẻ dữ liệu, kỹ năng để tạo ra giá trị lớn.

Tổ chức tương lai sẽ nhìn đối tác là phần mở rộng của chính họ. Những mối quan hệ này có ranh giới rõ ràng, mức độ tin tưởng cao và phụ thuộc lẫn nhau để chia sẻ giá trị, để mỗi đối tác tập trung vào những gì họ làm tốt nhất.

Chẳng hạn, năm 2018, Amazon ra mắt chương trình ”Đối tác giao hàng” (Amazon Delivery Service Partners) cho phép các cá nhân không có kinh nghiệm vẫn có thể kinh doanh với sự hỗ trợ từ Amazon. Chương trình mới được đánh giá là giải pháp nhằm giảm sự phụ thuộc của Amazon vào các bên trung gian giao hàng như FedEx, UPS, DHL, đồng thời mở rộng hệ sinh thái dịch vụ logistics của mình.

Mô hình hệ sinh thái doanh nghiệp đang nhanh chóng trở thành một “làn sóng” toàn cầu.

8. Xây dựng nền tảng công nghệ giàu dữ liệu

Các doanh nghiệp tương lai rất coi trọng dữ liệu. Dữ liệu không chỉ là báo cáo những điều đang xảy ra hay trả lời một câu hỏi kinh doanh mà dữ liệu chính là công việc kinh doanh.

Sự nổi lên mạnh mẽ của Netflix, từ một nhà cung cấp DVD chuyển thành một nền tảng sáng tạo nội dung, cung cấp dịch vụ phát trực tuyến toàn cầu chính là một điển hình khi biết cách tận dụng dữ liệu người dùng. Netflix sử dụng các thuật toán thông minh để đề xuất nội dung cho khách hàng.

Để tận dụng tối đa dữ liệu, các tổ chức hàng đầu phải giải quyết một loạt các nhiệm vụ phức tạp, từ phương pháp tiếp cận, quy trình, công nghệ đám mây, ngân sách. Nhưng một khi biết cách nắm bắt dữ liệu, các công ty này có thể tạo được sự bứt phá, phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới.

Tận dụng dữ liệu giúp doanh nghiệp phân tích và dự đoán trước những rủi ro có thể xảy đến.

9. Tăng cường học tập trong tổ chức

Việc tận dụng cách tiếp cận dữ liệu mới đòi hỏi cần có kỹ năng công nghệ mới, thậm chí cả cách lãnh đạo mới. Do đó các công ty phải học tập đúng cách để thúc đẩy năng lực của nhân viên, trao quyền cho lực lượng lao động.

Một tổ chức của tương lai sẽ cần thúc đẩy tư duy học hỏi liên tục, khuyến khích, hỗ trợ mọi người thích nghi, đổi mới bản thân liên tục để đáp ứng nhu cầu thay đổi của thị trường. Tư duy phát triển, sự tò mò, dám thử nghiệm và thất bại sẽ là “chìa khóa” để nhân viên nhanh chóng thành công. 

Microsoft đã chuyển hướng từ một tổ chức “biết tất cả” sang tổ chức “học hỏi tất cả”, trở thành biểu tượng của một tổ chức học tập. Chính sách 20% thời gian của Google cũng là minh chứng cho thấy cách “ông lớn” khuyến khích nhân viên đổi mới bằng việc dành 20% thời gian làm việc để thực hiện sáng kiến, ý tưởng của riêng họ.

Ngoài ra, thay vì tạo ra các chương trình tập trung, công ty hướng tới tương lai sẽ cần xây dựng hành trình học tập có sự kết hợp giữa nội dung cốt lõi với cá nhân hóa và ở quy mô cần thiết.

(theo bluec.vn)

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *