Một thầy giáo trường Trung học ở Mỹ đã có một bài giảng tuyệt vời trong lớp học của ông về đặc quyền và động thái xã hội. Đầu tiên ông đưa cho mỗi học sinh một tờ giấy bỏ đi và yêu cầu họ vo viên lại.
Sau đó ông mang đến một cái thùng rác và đặt ở trước lớp ngay trên bục giảng.
Ông nói: “Trò chơi này rất đơn giản – tất cả các em là đại diện cho toàn bộ dân số của nước ta. Và mọi người trong đất nước này đều có cơ hội trở nên giàu có và bước chân vào giới thượng lưu.” Rồi ông giải thích tiếp: “Để bước chân vào giới thượng lưu, các em chỉ cần ngồi tại bàn của mình và ném cục giấy vào trong thùng rác.”
Ngay lập tức có tiếng phản đối ở phía cuối lớp học, “Thế này thì không công bằng!” Những học sinh ở cuối lớp học đương nhiên nhận thấy ngay rằng những bạn ngồi ở phía trước có cơ hội ném trúng tốt hơn rất nhiều.
Các học sinh trong lớp bắt đầu ném, và như đã dự đoán từ trước, phần lớn những học sinh ngồi ở các dãy phía trước đều ném trúng (không phải là tất cả), và chỉ một vài học sinh ngồi ở cuối lớp làm được điều đó.
Ông thầy giáo điềm tĩnh giảng giải, “Các em càng ngồi gần thùng rác, càng dễ ném trúng. Đây chính là đặc quyền mà các em có được. Các em có nhận thấy tại sao chỉ có những bạn ngồi ở cuối lớp kêu ca về bất công không?”
“Ngược lại, những bạn ngồi ở những dãy bàn phía trước lớp học lại gần như không nhận thấy, không bận tâm đặc quyền họ được hưởng ngay từ ban đầu. Tất cả những gì họ thấy chỉ là khoảng cách 3 mét từ họ đến mục tiêu phía trước, và họ chỉ quan tâm liệu cục giấy của họ đã rơi vào thùng rác hay chưa.”
“Các em thấy đấy! Là học sinh các em được hưởng một nền giáo dục, công việc chính của các em là nhận thức được đặc quyền của mình. Và áp dụng đặc quyền đặc biệt được gọi là “giáo dục” này sao cho tốt nhất để đạt được những thành tựu vĩ đại, cũng như có cái nhìn bao dung hơn và giúp đỡ những người không may mắn bằng chính là những bạn ngồi ở các dãy bàn cuối lớp.”
Sinh ra mỗi người có một xuất phát điểm không giống nhau, có người sinh ra đã nghèo khó, có người sinh ra đã giàu có. Đó là đặc quyền riêng họ được hưởng. Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng cho tất cả mọi người. Có những người nghèo khó, nhưng do may mắn, do tài năng, hay do một hoàn cảnh đặc biệt nào đó họ được bước chân vào giới thượng lưu, cũng giống như những người ngồi ở cuối lớp vẫn ném trúng thùng rác.
Trong khi đó có những người có xuất phát điểm là có rất nhiều đặc quyền, nhưng ngay cả khi ngồi ở dãy bàn đầu họ vẫn ném ra ngoài. Mọi rủi ro trong cuộc sống có thể tước đi đặc quyền của các em bất kỳ lúc nào. Cuộc đời các em là do chính các em quyết định, các em phải “tự ném” các quyết định của mình khi các em đủ lớn để tự lập cuộc sống.