Một môi trường làm việc chuyên nghiệp là môi trường trong đó con người được coi là tài sản của doanh nghiệp; Các quy tắc, quy định đều rõ ràng, đúng luật, tạo được sự cạnh tranh mạnh mẽ song lại rất công bằng lành mạnh cho nhân viên. Ở đó nhân sự được đánh giá đúng với những gì họ thể hiện; Mỗi cá nhân làm việc trên tinh thần hợp tác, tôn trọng, trách nhiệm hướng tới mục tiêu chung cao nhất của tập thể. Câu hỏi đặt ra là làm sao để quản trị con người với tư cách là nhà quản lý để luôn đảm bảo tính hiệu quả và sự gắn bó giữa các thành viên trong công ty?
1. Tuyển đúng người – đúng việc
Nếu người quản lý chịu trách nhiệm tuyển dụng nhân viên mới, sau đó chỉ nhìn vào mấy hồ sơ đầu tiên và lựa chọn những điểm ấn tượng nhất để tuyển họ thì điều đó không bao giờ chuẩn xác. Họ cần có cái nhìn sâu và rộng hơn để tìm được nguồn nhân lực tốt nhất. Rất nhiều yếu tố được kết hợp khi cân nhắc sử dụng ai đó. Nhà tuyển dụng thường quan tâm đến thái độ, kiến thức, kỹ năng, kể cả đặc điểm cá nhân và các mối quan hệ xung quanh mỗi ứng viên.
Toàn bộ mục đích của quá trình phỏng vấn tuyển dụng là để tìm hiểu về từng ứng viên, họ là ai, khả năng của họ ra sao, làm thế nào họ sẽ trở thành một tài sản gia tăng giá trị tại chính nơi làm việc, mang lại lợi ích cho các ê kíp phòng ban khác. Các nhà quản lý luôn để ý quan sát những dấu hiệu thông qua các hành vi ứng xử chuyên nghiệp hoặc chưa chuyên nghiệp của ứng viên.
2. Hướng tới Vị trí vai trò trong công việc
Để cảm thấy thoải mái tiếp cận và cống hiến hết mình cho công việc, người nhân viên nói chung luôn có tâm lý muốn tìm kiếm cho mình các nhà quản lý giỏi. Do đó, nhà quản lý cần giữ đúng cam kết, lắng nghe nhân viên, và giữ hòa khí với nhân viên. Họ bắt buộc phải biết phương pháp làm sao để quản trị con người một cách chuyên nghiệp, không bị chi phối bởi bất kỳ lý do gì. Tố chất đặc trưng riêng của người quản lý, lãnh đạo đó là thái độ tích cực và luôn sẵn sàng hỗ trợ.
3. Cung cấp Phản hồi & Huấn Luyện
Đối với hầu hết các nhân viên mới, họ cảm thấy như mình đang chưa thuộc về đội nhóm làm việc nào cả. Cảm giác bơ vơ khi mới tới là điều dễ nhận thấy. Và nhiệm vụ của người quản lý là làm sao để đảm bảo nhân viên mới chắc chắn biết mình cần làm gì, bắt đầu từ đâu, thuộc về đội nhóm hay phòng ban/ bộ phận nào trong công ty, nhiệm vụ cần hoàn thành ra sao để họ không bị rơi vào trạng thái đơn độc, mất phương hướng, dễ dẫn tới chán nản và thiếu tin tưởng.
Một trong những phương pháp quan trọng cần làm ngay khi có nhân viên mới đó là người quản lý thường xuyên trao đổi thông tin phản hồi và huấn luyện, hướng dẫn nhân viên mới tự tin làm việc. Thông tin tư vấn phản hồi vô cùng quan trọng đối với nhân viên mới. Nó tạo động lực rất tốt cho họ. Họ cần được biết những phần việc nào họ đã làm tốt và được tư vấn để phát huy đạt hiệu quả hơn nữa.
4. Nhà quản lý cần huấn luyện nhân sự
Bên cạnh đó, phương pháp không thể thiếu khi áp dụng với nhân viên mới đó là huấn luyện. Nhà quản lý huấn luyện bằng cách đồng hành, dẫn dắt, kể chuyện ẩn dụ, đặt câu hỏi gợi ý cho người nhân viên mới tự tìm ra được giải pháp trong công việc của chính họ, để đẩy họ vươn tới những thành tích xa hơn và cá nhân họ luôn có ý thức chịu trách nhiệm cao nhất với mọi hành vi họ lựa chọn làm.
Nói về quản trị nhân sự, nếu như môi trường làm việc ví như cơ thể một con người thì nhà quản lý luôn được coi là xương sống không thể thiếu để giữ bộ khung đó cơ thể đó. Việc quản trị con người là công việc đòi hỏi cần có phương pháp và sự đam mê.
Jenny Lý Hà Thu
Action Coach