Home » Leo núi Nhìu Cồ San và những người bạn
Đỉnh nhìu cồ san

Leo núi Nhìu Cồ San và những người bạn

Tôi yêu màu đỏ. Có lẽ vì đó là màu của con tim, màu của tình yêu. Hoặc có lẽ đó là vì màu của mệnh Thổ. Hay là vì mệnh thổ nên tôi gắn liền với đất hơn là với sông với biển. Và tình yêu với núi đến thời điểm này với tôi đã được tròn 2 năm. Mỗi khi ngắm nhìn ảnh cũ, tình yêu đó làm tôi thêm day dứt và tôi lại xách ba lô đi tìm đến Nhìu Cồ San và con đường Pavi đá cổ.

Với chuyến đi này, tôi không hy vọng gì hơn là lại được ngắm nhìn những dãy núi kỳ vĩ, những con đường gập ghềnh gồ ghề, những cái dốc cao vời vợi làm mỏi rã rời đôi chân, hay những đêm lạnh thấu xương, nhớ những lần tôi bị lạnh run cầm cập mỗi khi ra khỏi lán. Nhưng đổi lại là một niềm hạnh phúc lớn lao khi được đứng trên những mỏm núi đá, phóng tầm mắt nhìn ra xung quanh. Mây ở rất gần, như những miếng kẹo bông bay lơ lửng, với tay một cái là có một chiếc kẹo bông trong tay. Những dãy núi trùng điệp, xếp thành từng lớp như dải lụa xanh nhung vắt ngang bầu trời. Những đêm đầy sao sáng vằng vặc và cảm giác được ngửa cổ ngắm nhìn dải ngân hà làm tôi bồi hồi nhớ lại tuổi thơ nằm ngoài sân nhà ngắm sao mỗi tối.

Đỉnh Nhìu Cồ San

Hà Nội – Lào Cai – Sàng Ma Sáo

Đồng hành với tôi là 5 người bạn chạy bộ và đạp xe. Trước chuyến đi, chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ đủ đồ mang theo cho 3 ngày leo đèo, vượt suối, băng rừng, kể cả mưa to hay gió rét. Chiếc xe buýt của Sao Việt đón chúng tôi lúc 22h15 đi lên thành phố Lào Cai trong đêm. Đó là một đêm ngủ cực kỳ thoải mái trong cabin rộng rãi của chiếc xe buýt 20 chỗ. Tôi ngủ rất sâu, và chỉ tỉnh dậy khi gần tới Lào Cai.

Xe Sao Việt đến Lào Cai sớm hơn dự kiến 1 tiếng đồng hồ. 03h30 sáng, chúng tôi tới Lào Cai. 04h00, chúng tôi lên chiếc xe 16 chỗ và theo hành trình đi tới Sàng Ma Sáo. Và một lần nữa, chúng tôi lại tới sớm hơn dự kiến. 05h20 chúng tôi đã tới Mường Hum để ăn sáng. Chưa có hàng quán nào mở cả. Bên ngoài cực kỳ giá rét. Tôi bước ra ngoài tìm quán ăn sáng mà không có. Chỉ có mấy con chó cứ chạy theo tôi sủa ầm ĩ. Vừa đi lùi để canh chừng chúng nó cắn, tôi vừa phải ngoái nhìn con đường phía trước để tránh vấp ngã và lùi dần ra khỏi địa phận mấy con chó muốn tôi cút xéo khuất mắt chúng.

06h30 tôi gọi cửa được một quán phở ngay trước cổng chợ Mường Hum. Quán này rất rộng rãi, ông bà chủ rất xởi lởi, món phở bò gà với 2 trứng trần rất tuyệt, ngon hơn quán gần đó tôi ăn hôm đi Bạch Mộc Lương Tử tháng trước.

07h30 xe đưa chúng tôi đến bản Khu Chu Dìn. Tại đây, chúng tôi đi 7km nữa mới đến điểm leo. Ngồi lên chiếc xe Win khỏe khoắn, tôi cảm giác yên tâm hơn lần đi xe Wave ở Lùng Cúng. Con đường lên bản toàn đường đất. May mắn đường khô nên dễ đi hơn rất nhiều.

Đến bản lúc 08h00, chúng tôi lên nhà anh Tếnh, homestay của chúng tôi nghỉ trước khi đi Pavi. Ngôi nhà của anh nằm trên một mảnh đất rất cao, ngay cạnh ngã ba Pavi và Nhìu Cồ San.

08h30 chúng tôi mới gặp siêu nhân porter Kim Kim. Thoạt nhìn bạn khá là nhỏ bé, nhưng đến khi nhìn bạn đeo gùi đồ tôi mới biết bạn thực sự là siêu nhân. Đi với bạn là cô vợ người Mông cũng khỏe không kém. Cả hai bạn mang bao nhiêu đồ nặng chịch mà vẫn leo núi thoăn thoắt, vẫn cười nói thoải mái và một điểm cực kỳ đáng yêu là chụp ảnh cực kỳ có tâm. Bạn sẽ chả cảm thấy mệt đâu khi có một người chụp ảnh luôn tươi cười và có rất nhiều góc chụp mới lạ.

Con đường Thác Ong – Lán Nhìu Cồ San

09h00, chúng tôi bắt đầu leo từ cái cổng mà chúng tôi gọi là cổng sừng trâu, vì có cái sừng trâu to tướng treo ở đây. Chúng tôi tha hồ chụp ảnh nhìn như người Viking mạnh mẽ với cái mũ sừng trên đầu.

Sau cánh cổng là một ngôi làng toàn nhà gỗ rất đẹp, những hàng rào bằng đá và những cây đào trơ trụi lá đang chờ lúc để trổ bông ngày Tết. Tiếc là lúc này chúng tôi đi không gặp bông hoa đào nào. Năm nay đào nở muộn. Có lẽ vì năm nay cái rét nó đến liên miên và khắc nghiệt hơn rất nhiều, mấy cánh đào nó rỗi nên không chịu nở cho chúng tôi được ngắm.

Đỉnh Nhìu Cồ San phía xa xa bị đám mây che phủ

Qua ngôi làng là một thung lũng nhỏ dẫn lên núi Nhìu Cồ San. Từ xa đã thấy một ngọn núi cao sừng sững u lên như một cục bướu lạc đà. Mà đó không phải là đỉnh Nhìu Cồ San đâu. Đỉnh núi chúng tôi cần leo nó cao hơn và khuất sau ngọn núi này cơ. Bên phải là một dãy núi với đỉnh hình bình hành. Đó chính là nơi có đỉnh Cú Nhù San, mà tôi nghe nói khá khó leo.

Bên trái là một dãy cỏ lau mọc rất cao và to bay phất phơ trong gió. Sương mờ che phủ kín ngôi làng phía dưới, mấy đám mây lượn lờ bay ngang dãy núi. Một ngôi nhà gỗ nhỏ hiện ra ngay dưới thung lũng. Phong cảnh trông thật bình yên.

Một cụ già da dẻ hồng hào, đôi mắt vẫn còn rất tinh anh với nụ cười rạng rỡ đang đi tới. Trên vai cụ là một gánh củi to tướng. Có lẽ bà cụ rất vui vì hôm nay có một bó củi rất đẹp để sưởi ấm xua tan cái lạnh buốt giá khi trời tối ập xuống. Nhìn bà cụ, tôi hỏi bạn porter “Dân ở đây sống thọ đến khoảng bao tuổi hả em?”. “Ở Y Tý nơi em ở có rất nhiều cụ sống trên 100 tuổi anh ạ.” Tôi chợt nghĩ: “Dân ở đây sống vô lo, vô nghĩ, chỉ cần kiếm đủ ăn là hạnh phúc, đồ ăn toàn organic, tự nuôi trồng mà ăn, thỉnh thoảng lại leo núi đi kiếm củi. Bảo sao họ chả có sức khỏe tốt.”

Trời nắng nên khá nóng. Chúng tôi đi qua một cây cầu gỗ bắc ngang con suối. Rồi lại đến một con suối nữa. Những tảng đá ở đây rất to. Rất dễ đứng hay trèo lên chứ không nhỏ và trơn tuột như nhiều núi khác. Nước suối chảy ngay bên dưới những tảng đá to tướng ấy. Nước trong vắt, mát lạnh.

Càng vào sâu trong núi, chúng tôi bắt gặp rất nhiều con thác nhỏ, những cây cầu gỗ mà người dân nơi đây đã dựng lên để thu hút dân du lịch đi qua selfie hay sống ảo. Và tất nhiên chúng tôi không bỏ lỡ những khoảnh khắc đó.

Khi tới một con thác cực kỳ cao, tới hơn 100m. Nước chảy từ trên cao xuống không lớn, nhìn như mái tóc mượt mà của cô gái mười tám mới chải tung xõa đều dần ra hai bên. Những người dân xây cầu đang tụ tập ở đây. Chắc chắn 1 tháng nữa là các bạn sẽ có một cây cầu rất đẹp để chụp với cái thác này. Trong lúc chờ chúng tôi sống ảo, bạn porter Chi được nghỉ chân một chút. Chồng bạn ấy thì vẫn nhiệt tình chạy xung quanh chúng tôi để giúp chúng tôi có những bức hình đẹp nhất.

Những người dân bản đang xây dựng cầu bên Thác Ong
Bạn porter Chi ngồi nghỉ bên cạnh những gùi đồ leo núi

Từ đây, con đường lên núi lúc nào cũng dựng ngược lên. Nếu không dựng ngược thì lại là những mép núi rất nhỏ, đi trơn tuột, phải bám và lần từng bước đi men để không bị trượt chân. Con đường lên núi là một rừng thảo quả thơ mộng. Những tấm lá thảo quả to và rộng nhìn như lá rong gói bánh chưng Tết. Chúng bị ngả màu vàng như sắp tàn. Tuần trước, băng giá đã tới đây và tàn phá rất nhiều những cây thảo quả này. Bạn porter Chi nhắc chúng tôi “cần phải đi cẩn thận không được làm gãy cành lá thảo quả, vì đây là một dược liệu rất quý. Người dân ở đây bảo vệ chúng rất nghiêm ngặt.”

Mùi cây mằng tăng phảng phất bay xung quanh như mùi dầu tràm lẫn với cây thảo quả tạo nên một mùi hương rất dễ chịu. Thảo quả có lẽ không có mùi, nhưng chúng tôi vẫn cứ có cái cảm giác trong lành khoan khoái khi hít hà mùi hương bay quanh. Mùi cây mằng tăng làm cho bạn cảm giác giống như hít mùi xả hay cây rau mùi xông hơi, làm cho cơ thể thêm ấm áp hơn, xua đi cái lạnh đang dần lan khi lên núi cao.

Theo bạn porter Kim Kim, chúng tôi cố gắng leo đến vũng trái tim mới ăn trưa vì cảnh ở đây cực kỳ đẹp và rất xứng đáng để nghỉ chân. Cả đoàn hơi đói một chút, nhưng vẫn thấy thoải mái đi tiếp. 13h00 chúng tôi tới vũng trái tim. Nhìn ảnh bên ngoài trước đó rồi, nhưng đến nơi chúng tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng về vẻ đẹp của cái vũng nước nhỏ tự nhiên tạo thành hình trái tim này. Không những thế, phía sau nó là một con suối với rêu xanh phủ kín trên đá vôi trắng. Phía trước là cả một rặng núi Cú Nhù San hùng vĩ với cái dốc như vực thẳm và rất nhiều vệt lũ quét tạo thành dòng chảy xuống thung lũng. Đó là một điểm ăn trưa lý tưởng nhất trong 13 ngọn núi tôi đã leo.

Vũng nước trái tim bàng đá tự nhiên
Sau lưng là vũng trái tim, phía trước là đỉnh Cú Nhù San
Rêu mọc trên đá êm như nhung

Bữa trưa là 2 con gà và 1kg thịt lợn ăn với xôi tím ngon tuyệt cú mèo. Ăn với củ thảo quả màu hồng rất là thơm. Cả đoàn tấm tắc khen mãi món thịt lợn ăn rất ngon, thơm và ngậy. Món xôi thì rất lạ, dẻo và ngọt.

Sau bữa trưa, đi thêm một đoạn nữa chúng tôi ra khỏi khu rừng thảo quả. Tiếp đến là một rừng trúc thấp. Cũng như nhiều núi khác. Càng lên cao cây càng thấp dần, lá càng nhỏ dần. Có lẽ đó là cách các loài thực vật thích nghi với thời tiết gió cực mạnh và rất lạnh kèm theo đất đai khô cằn ít màu mỡ ở trên cao. Con đường xuyên qua rừng trúc. Gió rít ở trên đầu. Nắng chiều vẫn chiếu trên đỉnh những ngọn trúc.

Gần đỉnh núi có một gốc cây mục bị đổ. Chúng tôi được nghỉ chân một lát, ngắm nhìn bản làng bé tí bên dưới, dãy núi vắt ngang chắn cả chân trời phía trước. Ông mặt trời lấp ló sau một dải mây to tướng. Trời xanh trong vắt ở phía đông. Phía tây là dãy Hoàng Liên Sơn, mây đang bị thổi ngược từ phía bên Lai Châu sang Lào Cai. Từ đằng xa, chúng tôi đã thấy ngọn núi gần đỉnh Nhìu Cồ San bị mây thổi lên che phủ. Một ngày không đẹp để ngắm biển mây rồi. Hy vọng ở sáng sớm mai thôi.

Leo thêm 1km đường nữa là chúng tôi đến lán lúc 15h00. 2 cái lán gỗ để ngủ và một cái bếp nấu rất là rộng. Bạn porter tìm mãi không thấy chìa khóa để mở. Chúng tôi hơi mệt và buồn ngủ. Chỉ có cách ngủ gục một lát hoặc vỗ nước vào mặt cho tỉnh táo.

Buổi tối ập đến mang theo cái lạnh thấu xương. Mặc bao nhiêu quần áo rồi mà mỗi khi đi ra ngoài lán tôi đều thấy rét run lập cập. Chui vào bếp cho ấm thì khói vào mắt mũi cay xè không thể thở nổi. Ngồi trong lán thì cơ thể không vận động bị lạnh rất nhanh. Bát canh nóng với đĩa rau vừa xào mang vào nhà đang bốc hơi nghi ngút, nhìn thật ấm áp. Tôi gọi ông bạn dậy để ăn tối nhanh cho ấm. Vừa ngồi xuống là kịp lúc đĩa rau với bát rau đã lạnh ngắt. Cả nhóm vừa ăn vừa rung đùi cho ấm. Bữa ăn khá ngon với rất nhiều món do tay đầu bếp Kim Kim nấu mà vẫn thấy hơi khó ăn hết do rét.

Sau bữa ăn, chúng tôi chuẩn bị đồ để sáng hôm sau leo núi sớm. Buổi tối, tôi rủ hai người bạn leo lên ngọn đồi cạnh lán ngắm sao. Lại là một đêm sao sáng vằng vặc. Sao mọc chi chít trên bầu trời, từng lớp từng lớp một. Dải ngân hà với những tinh vân mờ ảo hiện lên ngay gần giữa bầu trời. Phía tây là một biển mây trắng đang lấp ló ngang rặng núi. Ở phía đông, một đám mây đen rất to, như một chiếc thuyền khổng lồ đang dần trôi về phía chúng tôi. Càng bay đến gần đám mây càng to ra. Trong đêm tối, thấy một cái gì đó đen xì to tướng lờ mờ bay dần dần đến, hơi rờn rợn chút làm tôi muốn về lán ngay lập tức.

Đêm ngủ, tôi mặc hết quần áo vào và quấn hết chăn vào người cho ấm. Một đêm trôi qua khá dễ chịu.

Đỉnh Nhìu Cồ San – Bãi thả dê – về Homestay gần Pavi

04h00 sáng chúng tôi thức dậy và chuẩn bị leo đỉnh Nhìu Cồ San với hy vọng được ngắm bình minh trên biển mây. Ngoài trời gió thổi rất lớn, lạnh, sương mù, hơi có chút mưa nhẹ. Khả năng rất cao là không có biển mây.

04h30 chúng tôi bắt đầu leo. Con đường lên núi vẫn là một rừng trúc thấp. Dốc, rất dốc. Trời tối om, sương mù với tầm nhìn rất gần. Ánh đèn soi tạo thành vệt mây mù bay chéo như những hạt mưa bụi. Cả đoàn chầm chậm leo lên núi. Chúng tôi vừa đi vừa chờ nhau vượt qua từng đoạn đường.

06h30 chúng tôi lên tới đỉnh núi. Mây mù vẫn phủ trắng nơi đây. Cây cối gần đỉnh núi lại cao đến kỳ lạ. Có lẽ độ ẩm cao đã tạo nên những ngọn cây cao to trên đỉnh núi này. Rêu phong phủ kín những thân cây. Đỉnh núi bao quanh một nửa là những thân cây như vậy. Một nửa còn lại phía đông là khoảng trống để ngắm biển mây. Ở trên đỉnh lúc nào gió cũng lớn nhất, rét nhất, kèm theo tí mưa bụi càng làm cho cái rét càng thêm tê buốt. Bạn porter đốt chút lửa sưởi ấm với hy vọng chờ một lúc mặt trời lên sẽ làm tan bớt mây mù.

Sau một hồi chờ không ngắm được bình minh, chúng tôi xuống núi lúc 08h00. Xuống tới lán lúc 08h30, nắng vàng lại chiếu rất đẹp, lung linh xung quanh. Ngồi trong lán ăn bát cháo gà, ánh nắng xuyên qua những lỗ nhỏ của mái bếp thật là huyền ảo.

10h30 chúng tôi khởi hành xuống chân núi. Mây mù vẫn bao phủ khắp núi rừng. Đường xuống không có gì nhiều cảnh đẹp khi không có sương mù. Bãi thả dê là một khoảng đất trống rất lớn trên núi. Có rất nhiều tảng đá rất lớn nhô lên trên mặt đất. Tôi nhìn thấy một đàn dê phía xa ở điểm khá cao nên tôi cũng không muốn đến gần. Ông bạn của tôi đi trước còn gặp đàn dê đến quấy nhiễu. Xung quanh vẫn là mây mù. Mờ mờ gần bãi thả dê là một rặng núi phía bên phải. Nếu trời nắng thì đây chắc hẳn sẽ có một tầm nhìn rất đẹp. Tôi vừa kịp hái được một cành chè tuyết san để pha uống.

Đường xuống bãi thả dê và về lán khá là dễ so với đường lên. Nhưng nếu xuống bằng đường Thác Ong thì khá vất vả. Nên có lẽ chọn lên bằng đường Thác Ong vẫn là hợp lý. Lúc xuống chúng tôi bắt gặp một cái cây mờ ảo ở một cái cổng chắn dê bò đi qua. Qua cái cổng này chỉ còn đoạn ngắn nữa là về đến nhà nghỉ.

Xuống đến ngã ba đi Pavi và núi Nhìu, chúng tôi dừng chân ở cạnh một quán nhỏ và ăn trưa. Cạnh đây còn có một Phân hiệu trường học. Hôm nay là ngày nghỉ nên học sinh không đến trường. Đi bộ thêm khoảng 1,5km nữa là đến nhà nghỉ. Đường rộng rãi dễ đi. Có rất nhiều thanh niên đi xe Win đang đứng chờ ở đây để đón khách leo núi bị đau chân để đưa xuống núi.

Món trà tuyết san hái trên núi mang xuống nhà nghỉ ngồi uống

16h00, chúng tôi tới nhà nghỉ của Anh Tếnh, ngay sát con đường đi Pavi. Buổi tối ở nhà nghỉ, chúng tôi được chủ nhà đón tiếp rất thân mật. Họ ít nói nhưng làm mọi thứ rất chu đáo. Họ nấu một bữa ăn rất thịnh soạn, mang rượu ra mời chúng tôi. Một bữa ăn rất ấm cúng quanh bếp lửa thật là tuyệt. Mặc dù sau 2 ngày nhồi toàn thịt gà với thịt lợn, cứ mỗi khi nghe tới ăn thịt gà là cả đoàn phản đối. Nhưng bữa ăn này ấm áp hơn ở trên lán nên chúng tôi thấy ngon hơn bao giờ hết.

Cuộc đời là một chuyến đi không có điểm dừng hay điểm kết thúc. Ở trong những cái khó khăn vất vả nhất luôn loé lên những màu sắc nhỏ nhoi kỳ dị biến những điều buồn tẻ thành ánh sáng của niềm tin và hy vọng. Tôi có thể bước đi trong sương mù hay trong bóng tối nhưng có những người bạn sát cánh bên tôi là màu sắc tô điểm lên những khoảnh khắc tươi đẹp làm cho mỗi giây phút trôi qua là niềm hạnh phúc, là niềm vui trong tôi. Cảm ơn những người bạn Kim Sơn, Thảo Lê, Thanh Giang, Quỳnh Lan và Thu Phương đã cùng tôi chia sẻ những kỷ niệm trong chuyến đi này.

Xem thêm: