Tại sao gần đây các công ty đặc biệt quan tâm tới chuỗi cung ứng? Tại sao bạn lại muốn biết về chuỗi cung ứng? Bạn có biết rằng thực phẩm luôn có sẵn ở các cửa hàng, và quần áo luôn đầy trong các shop, nhưng làm thế nào các sản phẩm này đến được đó, và ai chịu trách nhiệm đưa những sản phẩm đó đến cửa hàng mỗi ngày?
Trong bài viết này tôi muốn chia sẻ với các bạn các yếu tố cơ bản của quản lý chuỗi cung ứng, từ việc làm thế nào các công ty lựa chọn và quản lý nhà cung cấp tới cách các công ty biến những nguyên liệu thô thành sản phẩm hoàn chỉnh mà khách hàng mong muốn. Tiếp theo chúng ta sẽ tìm hiểu làm thế nào các công ty làm thế nào để đưa những thành phẩm này đến tận tay người tiêu dùng. Nhiều người nghĩ nhầm rằng xây dựng một chuỗi cung ứng tốt là liên quan tới cắt giảm chi phí, thực tế nó chính là phát triển mối quan hệ với nhà cung cấp, và xây dựng các quy trình kinh doanh có uy tín để lấy lòng tin của khách hàng và làm cho họ mua nhiều hơn.
Chuỗi cung ứng là gì?
Chuỗi cung ứng là cả một mạng lưới rộng lớn các cá nhân, tổ chức, nguồn lực, các hoạt động và công nghệ tham gia vào quá trình tạo ra và bán một sản phẩm, từ giao nguyên liệu thô của nhà cung cấp sang nhà sản xuất, tới quá trình chuyển giao đến người tiêu dùng. Phân đoạn chuỗi cung ứng liên quan tới việc chuyển giao thành phẩm từ nhà sản xuất tới tay người tiêu dùng được gọi là kênh phân phối.
Với ActionCOACH, “Chuỗi cung ứng là sử dụng một cách hiệu quả và tích hợp các nhà cung cấp, nhà sản xuất, nguyên liệu, kho bãi, nhà phân phối hàng hóa đến tay người tiêu dùng đúng sản phẩm, đúng giá, đúng cửa hàng, đúng số lượng, đúng chất lượng, đúng nhu cầu khách hàng và đúng lúc, đồng thời giảm thiểu hóa các chi phí trên toàn chuỗi mà vẫn làm thỏa mãn yêu cầu về mức độ phục vụ”.
Quản lý chuỗi cung ứng là gì?
Quản lý chuỗi cung ứng bao gồm các phân đoạn trong chuỗi. Chuỗi cung ứng sản xuất và chuyển giao thành phẩm. Có thể bạn chưa biết về nó, nhưng phần lớn chúng ta đều làm điều gì đó trong chuỗi mỗi ngày. Để giúp bạn hình dung ra dễ hơn, ta lấy ví dụ về một thứ mà ai cũng biết, bánh sừng bò.
Tôi có một khách hàng mở cửa hàng bánh Vinh Tẩm với các món bánh rất ngon. Nguyên liệu của cửa hàng dùng là gì? Bột mì, đường, bơ, phô mai, bột nở. Vậy cửa hàng Vinh Tẩm bắt đầu làm như thế nào? Bước đầu tiên là họ phải mua. Họ sẽ phải quyết định mua nguyên liệu làm bánh ở đâu? Có thể bột mì nhập từ Pháp, bơ và phô mai loại hảo hạng nhập từ New Zealand hay ở bất kỳ nơi nào cung cấp nguyên liệu đủ chất lượng để làm chiếc bánh sừng bò thật ngon. Tất nhiên họ phải đề ra hạn mức ngân sách để làm ra chiếc bánh vừa ngon vừa rẻ, nên họ sẽ cần chọn nhà cung cấp nguyên liệu phù hợp và thuận tiện nhất.
Khi lựa chọn mua nguyên liệu xong ta sẽ chuyển sang bước thứ hai của quá trình quản lý chuỗi cung ứng. Sản xuất và vận hành. Đây là quy trình gia công và nướng bánh. Lúc này cần phải có quy trình và công nghệ riêng của cửa hàng. Cần phải biết rõ khách hàng thích ăn bánh như thế nào, khi nào thì nướng bánh, khi nào bán cho khách hàng, giá tiền bao nhiêu… Mọi thứ phải rõ ràng và đầy đủ quy trình.
Xem thêm: Thị trường ngách là gì?
Thế vẫn chưa xong đâu. Công đoạn thứ ba của quản lý chuỗi cung ứng là hậu cần và vận chuyển. Bạn không thể để bánh tự chạy thẳng đến nhà khách hàng. Bảo quản bánh từ lò nướng ra cửa hàng như thế nào? Làm thế nào để bánh tươi ngon trong ngày? Cửa hàng bánh sẽ phải quan tâm đến đóng gói cho khách hàng nếu cần. Bạn có quan tâm đến điều này không? Gói bánh thì phải dùng giấy gì, trắng hay nâu? Vận chuyển bánh như thế nào? Quan tâm tới quá trình vận chuyển và đóng gói là điều cần phải cân nhắc hết sức kỹ càng vì công việc này phải lặp đi lặp lại hàng ngày.
Ở trên ta mới chỉ đề cập đến 1 chiếc bánh. Vậy thử đặt câu hỏi
- Khi cửa hàng phải làm hàng trăm chiếc bánh thì sao?
- Khi có khách hàng nào đó đặt đơn hàng đặc biệt thì làm thế nào?
- Trong trường hợp cơ quan quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm yêu cầu tiêu chuẩn về sinh và bảo quản thực phẩm kiểm khác thì sao?
- Điều gì xảy ra khi bạn lên kế hoạch giao hàng tới khách hàng?
- Liệu cửa hàng đã chuẩn bị đối mặt với tất cả các vấn đề khác nảy sinh chưa?
Đây chính là công việc mà những nhà quản lý chuỗi cung ứng phải đảm nhiệm từ đầu đến cuối của cả quá trình.
Đó là những gì chúng ta phải nghĩ đến. Đó là những gì chúng ta phải làm. Mua nguyên liệu, vận hành, và hậu cần. Đây chính là những phân đoạn chính của một chuỗi cung ứng hiện đại. Mỗi sản phẩm đều có câu chuyện sau nó. Người quản lý chuỗi cung ứng phải viết lên câu chuyện đó với kết thúc có hậu. Vì vậy, là một nhà quản lý giỏi, bạn hãy biến mình thành một người kể chuyện. Bạn hãy thử tưởng tượng khi bạn mua một cái gì đó yêu thích, như chiếc điện thoại, xe ô tô, cái áo, bữa ăn ngon lành, hoặc thậm chí ở một resort tuyệt đẹp nào đó. Ai chính là nhân vật chính quan trọng viết lên câu chuyện với kết thúc có hậu đó? Ai mua nguyên liệu thô, các thành phần, hay công thức chế biến? Điều gì quan trọng nhất trong đó làm khách hàng hài lòng?
Xem thêm: Phân tích SWOT – Những điều cần biết
Cơ cấu chuỗi cung ứng
Chuỗi cung ứng bao gồm một tập hợp các quy trình được liên kết một cách hiệu quả với nhau:
- Nhà cung cấp
- Nhà sản xuất
- Kho xưởng
- Các trung tâm phân phối
Sao cho các sản phẩm và dịch vụ được sản xuất và cung ứng:
- Đúng số lượng
- Đúng địa điểm
- Và đúng thời gian
Một chuỗi cung ứng bao gồm:
Nhà cung cấp => Nhà sản xuất => Nhà phân phối => Nhà bán lẻ => Khách hàng
Nhờ đó, các chi phí sản xuất và cung ứng sản phẩm dịch vụ được giảm thiểu và gia tăng mức độ thỏa mãn về chất lượng sản phẩm và dịch vụ.
Mục đích chính của việc xây dựng chuỗi cung ứng là hòa hợp được giữa Cung và Cầu, đồng thời đem lại lợi nhuận trong quá trình cung cấp sản phẩm và dịch vụ để đạt được:
Đúng sản phẩm + Đúng giá + Đúng cửa hàng + Đúng số lượng + Đúng khách hàng + Đúng lúc = Lợi nhuận cao hơn
Xem thêm: Doanh nghiệp là một sản phẩm
Lý do phát triển chuỗi cung ứng
Xây dựng chuỗi cung ứng hiệu quả mang lại cho doanh nghiệp rất nhiều lợi ích:
- Ưu thế cạnh tranh lớn hơn
- Giá trị cho khách hàng lớn hơn
- Giảm thời gian tồn kho
- Giao hàng đến tay khách hàng trực tiếp nhanh hơn
- Tăng giá trị cho cổ đông
Với những lý do này thôi, chúng ta có thể thấy trong tương lai sẽ là sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các chuỗi cung ứng với các chuỗi cung ứng khác chứ không còn là đơn thuần sự cạnh tranh giữa các công ty với nhau.
– Lý Hà Thu
Chuyên gia Huấn luyện Doanh nghiệp
ActionCOACH Việt Nam, tại Hà Nội