Phù hợp Văn hoá – Tiêu chí vàng gắn kết và giữ chân nhân viên

Một doanh nghiệp phát triển bền vững là doanh nghiệp sở hữu những con người phù hợp Văn hoá của Doanh nghiệp. Zig Ziglar từng nói:

“Bạn đừng xây doanh nghiệp, bạn hãy xây dựng đội ngũ rồi đội ngũ sẽ xây doanh nghiệp cho bạn.”

Zig Ziglar

Trên thực tế, phát triển doanh nghiệp bằng cách xây dựng văn hóa doanh nghiệp luôn mang lại giá trị bền vững và lâu dài. Do vậy, việc tuyển nhân viên phù hợp văn hóa nội bộ của doanh nghiệp cũng quan trọng không kém và đang là một xu thế tuyển dụng của những năm 2020-2030.

Phù hợp Văn hoá gắn kết và giữ chân nhân viên

Chúng ta đều biết rằng mỗi cá nhân thường là độc nhất. Họ khác nhau từ tính cách, đến thái độ, về nguồn gốc, về niềm tin và cả về giá trị – thước đo cho các hành vi ứng xử của chính họ.

Ví dụ, một số người thích dành thời gian rảnh để chơi thể thao, trong khi một số khác lại thích đọc sách hay nghe nhạc; Có người cho thời gian là quan trọng nên luôn đúng hẹn và cam kết; cũng có người cho vui vẻ là quan trọng nên không cần chuẩn chỉnh miễn sao thoải mái là được…

Hiểu rõ tính cách, phong cách hành vi hay thói quen, sở thích của mỗi nhân viên là điều vô cùng quan trọng nếu bạn muốn tối ưu hóa niềm vui và hiệu suất công việc của đội ngũ. Chính vì vậy, các nghiên cứu về việc sắp xếp nhân viên theo tuýp phong cách hành vi DISC, theo tính cách sở thích sao cho phù hợp Văn hoá Công ty đang là một xu thế cấp bách.

Hiện nay, nhu cầu chuyển việc của nhân viên đang tăng chóng mặt. Việc tuyển dụng nhân viên mới tốn không ít công sức và thời gian. Tuyển dụng đã khó, Giữ nhân viên còn khó hơn. Nhiều Doanh nghiệp dùng chế độ, chính sách hấp dẫn để chiêu mộ nhân viên.

Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp mà các nhà Huấn luyện ActionCOACH chúng tôi khuyến khích. Vì khi bạn trả lương cao, sẽ có doanh nghiệp khác trả cao hơn. Và sau hành trình nhiều năm làm kinh doanh, tôi rút ra được rằng: “Ai đến với bạn vì tiền thì người đó sớm ra đi khỏi bạn vì tiền.” Điều này ảnh hưởng rất nhiều tới kế hoạch kinh doanh.

Ở góc độ nhân viên, họ luôn muốn đầu quân cho công ty nào có thể phát huy tối đa tiềm năng của họ. Bên cạnh đó, họ cũng muốn kiếm nhiều tiền hơn, công việc tốt hơn, có cơ hội học tập, phát triển nhiều hơn và giúp họ cân bằng cuộc sống tốt hơn.

Một số người sẽ có ưu tiên cho từng yếu tố khác nhau. Có người ưu tiên kiếm tiền nhiều hơn, có người muốn cân bằng cuộc sống tốt hơn… Nhưng còn có một yếu tố lớn hơn thế rất nhiều. Đó chính là lúc ngay cả họ và bạn đều cần đến sự phù hợp với nhau về văn hóa, đặc biệt là phù hợp văn hoá doanh nghiệp, phù hợp với môi trường mà người nhân viên vốn dành phần lớn thời gian trong ngày để cống hiến. Vậy chính xác phù hợp văn hóa là gì?

Phù hợp văn hóa là gì?

Trước hết, chúng ta hãy xem về định nghĩa văn hóa của một doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp có thể được coi là giá trị, là niềm tin, là triết lý của người sáng lập công ty được truyền sang đội ngũ nhân viên, sự tương tác ứng xử trong môi trường mà họ làm việc.

KHÁM PHÁ:  Văn hóa Doanh nghiệp là gì? Yếu tố tạo nên Văn hóa Doanh nghiệp

Nó giống như một hệ sinh thái bao gồm một mạng lưới các sinh vật và thành phần phức tạp, bao gồm chúng ta (con người), và công nghệ, hệ thống, cơ sở, công cụ, vv mà chúng ta cần phải làm việc.

Cũng giống như mỗi con người có tính cách khác nhau, văn hóa doanh nghiệp của mỗi công ty cũng khác nhau. Đó là lý do tại sao một số người phù hợp với một tập hợp các giá trị văn hóa ở doanh nghiệp này nhưng lại hoàn toàn khó có thể làm việc ở một công ty khác.

“Phù hợp Văn hóa về cơ bản là tất cả những gì liên quan đến sự kết nối những con người có cùng niềm tin, giá trị với Văn hoá Doanh nghiệp”.

Điều này có vẻ đơn giản, nhưng thực sự quan trọng để hiểu rằng việc tuyển dụng phù hợp với văn hóa không có nghĩa là tuyển dụng những người giống hệt nhau. Sự phù hợp văn hóa không nên áp dụng đi ngược với đa dạng văn hóa nội bộ doanh nghiệp. Một văn hóa doanh nghiệp tuyệt vời chính là sự phản ánh đa dạng lực lượng lao động.

Ví dụ dễ hiểu về phù hợp văn hoá

Bạn thử hình dung xem liệu có phù hợp văn hoá không khi công ty có 1 nhân viên lớn tuổi hay chỉ trích, tư duy không tích cực, lạc hậu lại làm việc cùng trong một tập thể toàn những người trẻ tuổi, năng động, nhiệt huyết, đầy sáng tạo? Người lớn tuổi luôn có xu thế quan tâm tới gia đình hơn, luôn về đúng giờ hơn… tham gia làm việc trong môi trường với các bạn trẻ sẵn sàng xông pha, lăn lộn không nề hà, luôn làm hết việc chứ không phải hết giờ?

Ở một góc nhìn khác, cùng Công ty có đội ngũ nhân sự trẻ đó nhưng người nhân sự lớn tuổi này lại luôn giao tiếp cởi mở, có rất nhiều kinh nghiệm, ông thực sự lão luyện trong tâm lý. Bản thân ông là “cuốn từ điển sống” để nhân viên trẻ tuổi không ngại ngần tìm đến học hỏi mỗi khi gặp khó khăn. Trong trường hợp này, nhân viên lớn tuổi đó lại chính là người phù hợp Văn hoá… Tôi khuyên bạn dành chút thời gian để xem bộ phim Bố già học việc – The Intern để xem sự phối hợp cực kỳ ăn ý của một bố già về hưu khi đi làm việc cho một cô gái trẻ trong công ty thời trang ra sao.

Làm thế nào để sắp xếp nhân sự phù hợp Văn hóa Doanh nghiệp

Theo một nghiên cứu của Adrian Furnham, hành vi và tâm lý của nhân viên khi làm việc sẽ được quyết định theo đồ thị dưới đây:

tính cách phù hợp văn hóa

Trục tung theo biểu thị sở thích cho 2 loại tính cách – hướng nội và hướng ngoại. Trục hoành biểu thị cho phòng làm việc – không gian hình khối riêng biệt và không gian mở.

Người hướng nội thích nhẹ nhàng, yên tĩnh để làm tốt công việc của mình. Họ cảm thấy thoải nhất ở nơi kín đáo, các không gian riêng biệt. Họ không thích sự ồn ào và phòng làm việc không gian mở. Điểm số hướng nội của họ càng cao thì sự ưa thích không gian riêng biệt càng lớn.

Mặt khác, người hướng ngoại làm việc tốt nhất khi có nhiều người xung quanh. Đó là một mô hình ngược lại.

KHÁM PHÁ:  Phương pháp Quản trị Nhân sự trong Môi trường Làm việc Chuyên nghiệp

Vì vậy, nếu người hướng nội làm việc trong một tổ chức chỉ sử dụng các văn phòng có không gian mở – hoặc thậm chí tệ hơn, mong muốn tất cả nhân viên tham dự các bữa tiệc náo loạn vào mỗi cuối tuần – đây sẽ là một ví dụ về sự bất phù hợp. Cũng trong môi trường này, người hướng ngoại sẽ có mức độ phù hợp văn hóa tích cực cao hơn nhiều.

Tất nhiên không chỉ đơn thuần là vậy, bạn biết đấy, không phải ai cũng hoàn toàn hướng nội hoặc hoàn toàn hướng ngoại cả, chỉ có tính cách nào nổi trội hơn mà thôi.

Ở biểu đồ phía trên người A có điểm hướng nội cao điểm hướng ngoại thấp. Người B có điểm hướng ngoại cao, điểm hướng nội thấp. Mỗi con người là một hỗn hợp phức tạp các đặc điểm tính cách tương tác với nhau. Tất cả đều ảnh hưởng lẫn nhau.

Tại sao nhân viên phù hợp Văn hóa Doanh nghiệp lại quan trọng?

1.      Giữ chân nhân viên

Giả định rằng chúng ta dành 1/3 cuộc đời (theo tuổi lao động) tại nơi làm việc. Tạo được một môi trường làm việc mà nhân viên cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ và gắn kết là điều cực kỳ quan trọng.

Nếu không, bạn sẽ gặp vấn đề giữ chân nhân viên ngay trước mắt. Hoặc ít nhất, bạn sẽ thấy nhân viên thiếu nhiệt huyết và tình yêu với công việc.

Phù hợp Văn hoá là khía cạnh quan trọng nhất để giữ chân nhân viên. Những nhân viên không phù hợp với các giá trị của tổ chức sẽ không thỏa mãn với công việc và có khả năng tạo ra một môi trường làm việc độc hại. Bạn không nên ngần ngại xem xét sa thải những nhân viên yếu kém đó đi.

2.      Gắn kết nhân viên

Khi niềm tin của một nhân viên phù hợp với giá trị văn hóa của doanh nghiệp họ làm việc, họ có nhiều khả năng cam kết với công ty hơn, làm việc chăm chỉ hơn và nỗ lực vượt lên trên tất cả. Những nhân viên dưới quyền của họ cũng phù hợp với tính cách này sẽ tự tin hơn và thể hiện năng lực làm việc tốt hơn. Mức độ gắn kết của nhân viên là rất quan trọng cho sự thành công kinh doanh.

Xem thêm bài viết về chương trình Gắn kết và Phát triển của ActionCOACH

3.      Hiệu quả và hiệu suất

Các Công ty có Văn hóa mạnh mẽ và nhân viên tin tưởng vào các mục tiêu và giá trị của doanh nghiệp thường có năng suất cao hơn. Văn hóa kém là biểu hiện của sự suy giảm năng suất.

4.      Tính liên kết

Một đội ngũ nhân viên đồng tâm cống hiến chung theo một giá trị cốt lõi sẽ liên kết với các mục tiêu tốt hơn so với đội ngũ nhân viên có các mục tiêu ưu tiên rời rạc. Nhân viên cùng cam kết chung với các giá trị sẽ giải quyết các vấn đề về sự khác biệt chuyên môn và tính cá nhân dễ hơn.

5.      Giao tiếp

Các tổ chức có văn hóa mạnh thường quan tâm đến các quy trình làm việc hợp tác và giao tiếp cởi mở. Khi các giá trị được hợp nhất, nhân viên tự nhiên thấy dễ dàng giao tiếp hơn.

Chìa khóa cho sự phát triển lâu bền

Văn hóa Doanh nghiệp là một động lực mạnh mẽ tạo nên sự thành công trong kinh doanh. Nó là chìa khóa cho sự gắn kết, hiệu suất và năng suất của nhân viên. Nhân viên làm việc trong môi trường Văn hóa phù hợp với tính cách sẽ hạnh phúc hơn, hài lòng với công việc hơn, cam kết và làm việc tốt hơn, và gắn kết với tổ chức hơn. . Đó là lý do tại sao phù hợp văn hóa mang ý nghĩa quan trọng với sự phát triển lâu bền của doanh nghiệp.

Phần 2: Tuyển dụng nhân sự phù hợp với văn hóa doanh nghiệp

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *