5 Giai đoạn Suy thoái là một khái niệm được giới thiệu xuyên suốt trong cuốn sách How the Mighty Fall (Thất bại của người khổng lồ). Mọi doanh nghiệp đều có thể bị sụp đổ trong một số thời điểm lịch sử của nó, cho dù lớn đến đâu. Nhưng câu hỏi quan trọng là làm sao bạn biết nếu bạn đang ở bên bờ vực của sự suy thoái, và làm thế nào bạn có thể xoay chuyển mọi thứ xung quanh?
Qua 4 năm nghiên cứu, Jim Collins phát hiện ra rằng hầu hết các công ty lớn đều trải qua 5 giai đoạn suy thoái, có thể phát hiện sớm và tránh được. Các tổ chức có thể bị bệnh ở bên trong và vẫn trông mạnh mẽ ở bên ngoài; suy thoái có thể lén theo bạn, và sau đó, dường như đột ngột bạn gặp rắc rối. Nghiên cứu của Jim Collins dựa trên sự tương phản, những thứ tuyệt vời trở nên trái ngược và luôn tự hỏi “Khác biệt ở chỗ nào?”
Tôi muốn lật ngược vấn đề, tò mò tìm hiểu sự suy thoái và sụp đổ của các công ty vĩ đại. Tôi nói đùa với đồng nghiệp rằng: “Chúng ta đang quay sang góc tối của vấn đề”
Jim Collins
Jim Collins nổi tiếng với các cuốn sách như: Từ tốt đến vĩ đại, Nỗ lực không ngừng, Xây dựng để trường tồn, Vĩ đại do lựa chọn… Tất cả các cuốn sách trên của ông đều hướng tới sự vĩ đại, tuyệt vời hay thành công. Nhưng đây là cái nhìn khác của Collins.
Jim Collins chia sẻ phương pháp nghiên cứu dẫn đến việc lựa chọn 11 công ty chứng minh hiện tượng tăng giảm: Công ty trà Great Alantic and Pacific (A & P), Addressograph, Đại siêu thị Ames, Bank of America, Circuit City, Hewlett-Packard ( HP), Merck, Motorola, Rubber Groom, Scott Paper và Zenith. Chúng ta cùng xem 5 giai đoạn suy thoái ông đề cập là gì.
5 Giai đoạn Suy thoái
1. Ngủ quên trên chiến thắng
Phần đầu cuốn sách đề cập đến niềm kiêu hãnh hoặc sự kiêu ngạo quá. Giai đoạn 1 bắt đầu khi trở nên quá tự tin về thành công của mình và quên đi mất nền tảng tạo nên sự thành công của họ là gì (đọc từ Tốt đến vĩ đại về 6 thành phần của sự vĩ đại và khái niệm bánh đà). Và bạn bắt đầu luôn đề cao quyền được hưởng thành quả đó, dần dần mất đi sự khao khát học tập, bị phân tâm bởi các lĩnh vực không cốt lõi và nhầm lẫn giữa câu hỏi Tại sao và câu hỏi Cái gì.
Điều quan trọng ở đây chính là bạn phải khiêm tốn, tập trung vào đam mê và tài năng của bạn đã đưa bạn đến câu hỏi “Tại sao Công ty của tôi tồn tại”?
2. Theo đuổi nhiều lĩnh vực hơn một cách vô kỷ luật
Sự kiêu hãnh từ Giai đoạn 1 khiến công ty phải cố gắng quá mức, nhảy vào những lĩnh vực không phải thế mạnh, hoặc theo đuổi sự phát triển mà họ có trong tay nguồn lực tài nguyên và con người rất hạn chế. Họ bị ám ảnh bởi sự phát triển (đến mức mất sự tập trung và kỷ luật), và khiến cho ngày càng nhiều lỗi nghiêm trọng tăng nhanh hơn. Họ không kịp tìm nguồn nhân sự cải thiện vấn đề hoặc không thể tìm được người lãnh đạo kế vị.
Điều quan trọng phải làm ở giai đoạn này là tái tập trung vào những điều tạo nên giá trị tốt nhất cho khách hàng của mình. Quay trở lại câu hỏi “Công ty tôi đã giải quyết nỗi đau của khách hàng tốt như thế nào?”
3. Từ chối rủi ro và nguy hiểm.
Ở giai đoạn này, công ty vẫn kinh doanh có kết quả, nhưng ngày càng có nhiều dấu hiệu nguy hiểm. Thật không may, các nhà lãnh đạo xem dữ liệu qua lăng kính màu hồng và xem nhẹ các mối đe dọa. Các nhà lãnh đạo chỉ xem những mặt tích cực, lờ đi những mặt tiêu cực, chỉ thích đọc những dữ liệu mơ hồ, và coi các vấn đề xảy ra chỉ là các yếu tố bên ngoài.
Điểm mấu chốt của giai đoạn này là khi có dấu hiệu suy thoái, cần phải nhìn nhận thực tại, thừa nhận nguy hiểm rủi ro và đưa ra những quyết sách cứng rắn, có thể là rất đau đớn.
4. Chết đuối đi tìm cọc.
Ở giai đoạn này, suy thoái trở nên trầm trọng và rõ ràng. Nhưng, cái chết vẫn chưa xảy ra. Phản ứng của các nhà lãnh đạo thời điểm này xác định xem là nên tiếp tục duy trì hay phá sản. Họ sẽ hoảng loạn và tìm kiếm phao cứu sinh. Cố gắng nỗ lực sửa chữa các vấn đề phát triển. Ví dụ như tìm kiếm CEO mới, thu hút thêm vốn, tạo ra sản phẩm mới, hay phần mềm mới nhưng chưa được kiểm chứng… Nhưng các bước thay đổi mang tính cách mạng có thể liên tục gặp sai lầm khi hoảng loạn và sẽ đẩy nhanh sang giai đoạn 5.
Hồi sinh chỉ có thể trở lại với các nguyên tắc cơ bản, tức là tổ chức phải nỗ lực xây dựng lại và củng cố bánh đà một lần nữa, từng bước một. Collins nói rằng không phải vì công ty không nỗ lực hồi sinh mà chính vì công ty liên tục không nhất quán làm đúng theo tiêu chí ban đầu của mình đã dần dẫn tới căn bệnh mãn tính.
5. Đầu hàng cái chết
Khi công ty càng sống lay lắt trong giai đoạn 4 càng lâu và lãnh đạo càng cố gắng tìm kiếm cái phép mầu giải quyết vấn đề, thì sự suy thoái đến càng nhanh. Cuối cùng, nguồn tài chính cạn kiệt và mọi người hụt hơi. Collins gọi giai đoạn này “Đầu hàng cái chết”. Tại thời điểm này, thường có 2 con đường mà công ty có thể lựa chọn:
- 1. từ bỏ và bán công ty, hoặc
- 2. tiếp tục sống lay lắt cho đến khi cạn kiệt các lựa chọn của mình.
Ví dụ về Yahoo trong 5 giai đoạn suy thoái
Đọc cuốn sách của Jim Collins về 5 giai đoạn suy thoái này làm tôi nhớ lại câu chuyện của Yahoo, tôi xin kể lại vắn tắt như sau:
Vào đầu những năm 2000, Yahoo vẫn là công ty dẫn đầu về công nghệ, email, và tìm kiếm trên toàn thế giới. Hầu hết mọi người đều dùng email đuôi @yahoo.com, dùng blog của yahoo, messenger nổi tiếng của Yahoo thời bấy giờ. Tôi cũng là một người dùng lâu năm của Yahoo từ năm 2000, và đến giờ email của tôi vẫn còn. Yahoo luôn cho rằng mình là một nền tảng cực lớn và không thể bị đánh bại. – Ngủ quên trên chiến thắng
Yahoo vẫn luôn bối rối xác định mình là công ty công nghệ hay công ty truyền thông và quảng cáo. Không những thế việc luôn bị ám ảnh bởi lợi nhuận thu về lúc ban đầu, đã khiến Yahoo bỏ qua việc phát triển những công nghệ liên quan đến mình dẫn đến sự tụt hậu so với các mạng xã hội khác sau đó và dần dần sụp đổ. – Theo đuổi nhiều mục đích ngoài tầm với một cách vô kỷ luật.
Năm 1997, Google từng đề nghị bán cho Yahoo với giá 1 triệu USD. Khi đó nền tảng tìm kiếm của Google mới hình thành, nhưng lại tiện ích hơn hẳn Yahoo Search. 5 năm sau Yahoo lại từ chối mua Google một lần nữa với giá 3 tỷ USD. Mặc dù thời đó, thị trường đánh giá Google có giá trị lên tới 5 tỷ USD. – Không thừa nhận thực tại và từ chối rủi ro và để Google vượt qua sau đó.
Thông tin ngoài lề cho bạn, trước khi suy thoái do dịch Covid-19, trị giá của công ty Alphabet, công ty mẹ của Google bấy giờ đã là hơn 1000 tỷ USD.
Năm 2012, Yahoo thuê Marisa Meyer làm CEO để vực dậy kinh doanh bết bát của mình. Nhưng qua 3 năm liền, Meyer vẫn không thể làm gì để cứu Yahoo khỏi con đường xuống dốc không phanh. Năm 2013, Meyer mua lại Tumblr với giá 900 triệu USD nhằm tạo nên một mạng xã hội cạnh tranh với Facebook và Google +. Nhưng ngay khi mua lại Tumblr, Yahoo đã cài quảng cáo quá mức vào các trang của người dùng gây nên sự phẫn nộ và dần dần nền tảng này chết yểu. – Chết đuối đi tìm cọc.
Năm 2017, Yahoo buộc phải tự bán mình cho Verizon với giá 4,8 tỷ USD. Mặc dù năm 2008, Microsoft từng đề nghị mua lại với giá 44 tỷ USD, nhưng Yahoo lại từ chối vì nghĩ rằng mình có giá cao hơn thế nhiều. – Đầu hàng cái chết.
Tất cả các công ty lớn vấp ngã tại một số điểm như bài viết của tôi về Cách thoát khỏi suy thoái của Apple, hoặc những công ty lớn khác như: IBM, Nordstrom, Disney, Boeing, HP, Merck.
Khi nào bạn nên đọc 5 giai đoạn suy thoái
Chừng nào khi bạn còn chưa rơi xuống quá xa đến khi không còn lựa chọn nào khác, bạn vẫn có thể tập trung xây dựng lại, từng bước một. Cuốn sách kết thúc với cách Xerox quản lý để tạo ra sự thay đổi như vậy và cũng bao gồm một số phụ lục với các chi tiết như:
• Tổng quan về các nguyên tắc của Từ tốt đến Vĩ đại;
• Quy trình tuyển chọn của 11 công ty;
• 6 tiêu chí lựa chọn tương phản thành công và khung tính điểm;
• Ghi chép về Công ty Fannie Mae (dường như đang ở Giai đoạn 3 của sự suy giảm);
• 6 đặc điểm chung của những người phù hợp với những chiếc ghế quan trọng;
• Suy thoái và nghiên cứu trường hợp phục hồi của IBM, Nucor và Nordstrom (sử dụng nguyên tắc từ Tốt đến Vĩ đại);
• Các dấu mốc cho thấy một công ty đang ở trong giai đoạn suy thoái cụ thể.
Bạn có thể đặt mua sách How the Mighty Fall ở Amazon.
Nếu bạn copy bài viết của tôi, vui lòng ghi rõ nguồn.